Cách biểu diễn và thể thức chơi bài chòi

(Cinet) – Người dân ở các tỉnh vùng Nam Trung Bộ đều rất quen thuộc cách biểu diễn và thể thức chơi bài chòi. Bởi đây là loại hình nghệ thuật truyền thống phổ biến của người dân nơi đây trong suốt hàng trăm năm qua.

Hát bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian xuất hiện cách đây khoảng 300 – 400 năm ở các tỉnh vùng Nam Trung Bộ. Người dân miền Trung bắt đầu từ Quảng Bình đi vào tận đến Phan Thiết đều ưa chuộng loại hình này. Theo các nhà nghiên cứu, chính từ trò chơi bài chòi mà nghệ thuật hát bài chòi ra đời. Để chơi bài chòi, người ta dựng 9 hoặc 11 cái chòi hình chữ V, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi, mỗi chòi cao độ 2-3m, rộng đủ vài ba người ngồi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành riêng cho các vị có chức tước hay có uy tín trong làng muốn tham gia cuộc chơi, cũng có thể dành cho cặp vợ chồng mới cưới.

Thường có từ 9 đến 11 chòi trong 1 lễ hội bài chòi…

Trong sân, trước rạp, chỗ Hiệu đứng hô bài, có đặt ống đựng bài. Ống bài là một khúc tre lớn, rỗng ruột, cắm lỏng trên một cái cột cố định để ống bài có thể lúc lắc được. Trong ống đựng 27 thẻ bài. Ðầu nằm trong ống, chân thẻ nhô ra ngoài và đặt cao quá tầm mắt. Con bài làm bằng tre, đầu trên bè ra để dán lá bài lấy trong bộ bài tới. Ðầu dưới là chân thẻ nhỏ tròn như chiếc đũa, vót nhọn. Các chân bài nhuộm nửa xanh nửa đỏ, giống hệt nhau để không phân biệt được. Bộ thẻ bài chòi gồm 27 cặp.

Ở mỗi tỉnh thẻ bài chòi được làm theo kích thước khác nhau nhưng tất cả đều giống nhau theo quy tắc chung là 1 bộ bài chòi gồm 27 cặp..

Muốn đánh bài chòi thì người chơi phải báo cho ban tổ chức biết đế sắp xếp, còn người đến xem thì không cần xin phép cứ chen vào đứng dọc, ngang khắp chòi. Cuộc chơi bài chòi kéo dài từ sáng đến tận khuya, đến giờ ăn cũng chỉ nghỉ 1 lát rồi lại chơi tiếp. Ở những nơi tổ chức đánh bài chòi lúc nào cũng có tiếng kèn, trống, âm thanh rộn rã… Để bắt đầu 1 cuộc chơi, một hồi ba tiếng trống Trầu sẽ vang lên, dàn nhạc tiếp theo phụ họa, cuộc chơi bắt đầu. Những người tham gia leo ngồi trên chòi, do ban tổ chức sắp xếp. Người đánh bài có thể rủ bạn bè, thân nhân lên ngồi trong chòi của mình. Ban Hiệu ra sân, thường thì một nam một nữ, nếu thêm một người nữa để thay bài thì càng tốt. Hiệu hô bài mặc áo dài đen, đội khăn đóng, thắt dây lưng đỏ, mặt đánh phấn thoa son, có khi hóa trang như là đào kép hát bội. Hiệu bưng khay đến từng chòi thu tiền và phát bài. Người ngồi trên chòi nhận bài, đem găm ở khúc chuối hay bó rơm để sẵn trên chòi. Phát bài xong, Hiệu đến trước rạp vái chào ban tổ chức rồi hô lớn: “Phát bài đã đủ cho Hiệu tính tiền”. Người điều khiển cho cuộc chơi đáp lại bằng ba tiếng trống chầu. Hiệu cúi đầu: Dạ!

Trống lệnh đã cho phép, Hiệu hai tay ôm lấy ống đựng thẻ lắc mạnh nhiều lần. Khi các con bài đã trộn lẫn vào nhau, Hiệu với tay rút một con bài. Mọi người hồi hộp chờ đợi tên con bài đang nằm trong tay Hiệu. Lúc ấy tiếng trống chầu thúc liên hồi, dàn nhạc cũng dồn dập tưng bừng, kích thích lòng mong đợi của mọi người. Khi Hiệu cất giọng đọc tên con bài, tất cả người tham gia đều háo hức, chờ đợi, tên bài không được đọc theo cách thường mà bằng hai câu thơ lục bát.. Ví dụ như tên con bài là Ngũ Trượt thì hô:Trời mưa làm ướt sân đình

Anh đi cho khéo trợt ình xuống đây

Trợt quơi (ơi), Ngũ Trợt!

Tức thì chòi có bài trùng với con bài ấy đáp lại bằng ba tiếng mõ “cốc, cốc, cốc!”. Nếu là chòi trung ương trúng thì đánh ba tiếng trống “tum tum tum!”. Hiệu trao thẻ bài cho người chạy bài đem đến chòi trúng. Con bài ấy được găm vào khúc chuối cây hay bó rơm trên chòi. Hiệu lại tiếp tục lắc ống rồi rút con bài khác. Và cũng theo thủ tục hô bài như đã nói trên. Ban đầu trong ống có 27 thẻ bài, nhưng bớt dần theo mỗi lần rút thẻ cho đến khi có một chòi nào trúng được ba lần, tức là bài đã tới thì mới chấm dứt ván bài. Khi Hiệu hô xong con bài, nếu có chòi trúng lần thứ ba thì báo hiệu bài tới bằng một hồi mõ dài (chòi trung ương thì báo một hồi trống tum). Lúc ấy, ở rạp ban tổ chức, một hồi trống chầu được gióng lên, báo hiệu xong một ván bài.

Người hô hiệu phải là người có kiến thức văn chương, biết ứng đối…

Hình thức vui chơi này không chỉ có ý nghĩa giải trí đơn thuần mà hơn thế đây còn là một sân khấu trình diễn của các làn điệu dân ca đặc trưng của vùng Trung, Nam bộ. Nội dung của các lời hát trong nghệ thuật bài chòi đều mang ý nghĩa giáo dục cao. Các câu hát thường ca ngợi về quê hương, đất nước, ca ngợi tình phụ tử, tình phu thê…đề cao phẩm chất tốt đẹp của con người và phê phán tệ nạn xã hội…Người hô hiệu trong trò chơi nghệ thuật này phải là người có kiến thức văn chương, có tài ứng đối di dỏm. Những người hô hiệu giỏi phải biết độc diễn với tiếng trống, tiếng đàn cò, tiếng phèng la..Để 1 cuộc vui trọn vẹn còn phải có một ban nhạc cổ gồm đờn cò, kèn, sanh, trống hòa tấu lên khi có chòi “tới”.

Trước kia, bài chòi chỉ xuất hiện tại các lễ hội nhưng nhiều năm nay, loại hình nghệ thuật này đã được sân khấu hóa để đưa lên sân khấu giới thiệu với người dân cả nước. Tuy nhiên khi lên sân khấu, bởi không gian cũng như số lượng người tham gia không thể được như trong các lễ hội nên nghệ thuật bài chòi trên sân khấu không lột tả được hết không khí, sự hào hứng đến với khán giả như khi trực tiếp tham gia chơi bài chòi.

Leave a Comment